Slide background
Lễ ra mắt Viện Sau Đại học
Slide background
Sinh viên UEF nói về PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh (từ ngày 1/8/2021 đến nay) nhân dịp 20/11
Slide background
Việt Nam ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các yếu tố của thương mại quốc tế. Hệ thống pháp luật Việt Nam đã và đang đáp ứng với những thách thức và thay đổi diễn ra trong các hoạt động kinh tế và pháp luật quốc tế. Bởi vậy, Việt Nam cần chuẩn bị cho thế hệ mới các luật gia và công chức nhà nước những hiểu biết và khả năng ứng phó tốt với các vấn đề đặt ra do những thay đổi phi thường đang diễn ra cả ở trong nước và trên phạm vi quốc tế; giúp người dân tận dụng tối đa lợi ích và cơ hội từ những thay đổi này. Để làm được điều đó, họ cần có nguồn tài liệu tốt và Giáo trình Luật thương mại quốc tế được biên soạn nhằm đáp ứng một phần nhu cầu và đòi hỏi này.

GIÁO TRÌNH LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Tải giáo trình bản Tiếng anh và Tiếng Việt tại đây 

LỜI GIỚI THIỆU Xem chi tiết

Giáo trình này được biên soạn với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU-Việt Nam MUTRAP III) do Liên minh châu Âu tài trợ và là kết quả đóng góp của các chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài về luật thương mại quốc tế. Sự phối hợp giữa chuyên gia Việt Nam và chuyên gia quốc tế chứng tỏ Việt Nam đang trao đổi và tiếp nhận những tiến bộ của cộng đồng khoa học và văn hoá thế giới. Có được kết quả này một phần là do quá trình Việt Nam hội nhập thương mại và kinh tế đem lại, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Rõ ràng là ngày càng có nhiều nhà khoa học và sinh viên Việt Nam tham gia vào các chương trình hợp tác, trao đổi khoa học quốc tế. Giáo trình này chính là một bằng chứng cho điều đó.

Với sự hỗ trợ của Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III và các chương trình hợp tác phát triển khác, các trường đại học lớn ở Việt Nam đã cập nhật và đổi mới chương trình giảng dạy nhằm phản ánh diễn biến nhanh chóng của tình hình thương mại và kinh tế. Giáo trình này, chủ yếu dành cho sinh viên trình độ đại học, nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về khía cạnh pháp luật trong hầu hết các vấn đề thương mại quốc tế. Mặc dù ghi nhận sự khác biệt giữa công pháp và tư pháp quốc tế, nhóm tác giả giáo trình cho rằng hai lĩnh vực pháp luật này không thể nghiên cứu tách rời nhau. Các luật gia phải có kiến thức toàn diện về tất cả các lĩnh vực liên quan đến giao dịch thương mại quốc tế, từ pháp luật điều chỉnh hợp đồng quốc tế cho đến quyền tiếp cận thị trường ở nước thứ ba được WTO bảo hộ. Bên cạnh đó, giáo trình này cũng tập hợp các quy định toàn cầu (WTO, Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế), quy định khu vực (EU, NAFTA và ASEAN), quy định song phương (các hiệp định giữa Việt Nam và một số đối tác), và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Giáo trình đã nhận được sự đóng góp của nhiều chuyên gia và các học giả am hiểu cả kiến thức chuyên môn và hiểu biết về khu vực. Ví dụ, chuyên gia người Hoa Kỳ viết một nội dung về NAFTA, chuyên gia châu Âu viết phần liên quan đến châu Âu, còn chuyên gia Việt Nam lại tập trung vào những khía cạnh thương mại liên quan của Việt Nam. Sự kết hợp đó đã tạo ra một cuốn Giáo trình quy tụ nhiều quan điểm khác nhau về pháp luật thương mại quốc tế. Giáo trình là cẩm nang tốt về những tình huống mà luật gia Việt Nam có thể gặp phải: một thế giới với các quy tắc được hài hoà hoá, cách giải thích thuật ngữ giống nhau nhưng cách tiếp cận lại khác nhau trong từng trường hợp giao dịch thương mại hàng ngày. Nhu cầu tăng cường quan hệ thương mại, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế mở như Việt Nam, đòi hỏi khả năng hiểu được các cách áp dụng khác nhau này và nếu có thể, khả năng xác định được các thông lệ quốc tế tốt nhất để áp dụng trong khuôn khổ pháp luật quốc gia.

Cuốn sách còn là công cụ hữu ích giúp cho các cán bộ chính phủ hàng ngày phải làm việc trong môi trường quốc tế đầy biến động, cũng như những cán bộ mong muốn tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản liên quan đến các khía cạnh của pháp luật thương mại quốc tế. Cuốn sách thực sự là bức tranh thu nhỏ thế giới mà các luật gia Việt Nam sẽ phải đối mặt, và là điểm khởi đầu rất tốt cho những ai yêu thích tìm hiểu và mong muốn có được những hiểu biết cơ bản nhất về hệ thống các quy định phức tạp về thương mại quốc tế.

Nguyễn Thị Hoàng Thúy
Giám đốc Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III