Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Như vậy để thích ứng với môi trường số, công dân Việt Nam phải trở thành công dân số (CDS). Chúng tôi trích đăng dưới đây về một số tiêu chí của CDS từ Bài viết của GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, đăng trên Tạp chí Quản lý Nhà nước online (quanlynhanuoc.vn) ngày 5/7/2022

cong-dan-so-trong-moi-truong-so/

Đảng và Chính phủ đã ban hành một số văn bản chỉ đạo làm nền tảng cho sự phát triển của CDS như Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để người dân có đủ năng lực thích ứng với xã hội số; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”,  trong đó có Đề án thành phần về xây dựng mô hình công dân học tập trong điều kiện xã hội số.
Những kỹ năng số của CDS trong kỷ nguyên số đã được đề cập trong nhiều hội thảo khoa học trong nước và lồng vào Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập; trong đó có Hội thảo: “Những năng lực cốt lõi của công dân học tập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 7/2020. Sau đó Bộ tiêu chí đánh giá mô hình CDS, công dân học tập được Hội Khuyến học Việt Nam bổ sung thêm một số kỹ năng số như những chỉ số quan trọng đánh giá về CDS. Bộ tiêu chí đã được thử nghiệm rộng rãi trên nhiều địa bàn dân cư thuộc 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. 
Cụ thể CDS là người có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với người khác, tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh doanh và chính trị trên nền tảng kỹ thuật số. Mô hình CDS phải bao gồm các yếu tố: (1) Công dân phải có kỹ năng sử dụng và khai thác các thiết bị công nghệ hiện đại và các thiết bị kỹ thuật số. (2) Tri thức xã hội được chia sẻ nhanh chóng và tiện lợi nhờ những thiết bị thông minh. (3) CDS phải tiếp cận được với thương mại điện tử, giao dịch điện tử, giáo dục điện tử….

Ủy ban châu Âu cũng có nhiều công trình nghiên cứu về những năng lực của CDS thích ứng với đời sống của họ trong kỷ nguyên số. Cấu trúc và nội dung (những kỹ năng) của những năng lực số bao gồm:

– Năng lực thông tin và dữ liệu số, gồm 3 kỹ năng số: (1) Duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu; (2) Đánh giá dữ liệu; (3) Quản lý dữ liệu.

– Năng lực truyền thông số và cộng tác, gồm 6 kỹ năng số: (1) Tương tác qua công nghệ số; (2) Chia sẻ qua công nghệ số; (3) Tham gia vào quyền công dân qua các công nghệ số; (4) Cộng tác qua các công nghệ số; (5) Quy tắc ứng xử trên internet; (6) Quản lý nhận diện số.

– Năng lực tạo lập nội dung số, gồm 4 kỹ năng số: (1) Phát triển nội dung số; (2) Tích hợp và tái chi tiết hóa nội dung số; (3) Bản quyền và cấp giấy phép; (4) Lập trình.

– Năng lực bảo vệ sự an toàn thiết bị số và sức khỏe, gồm 4 kỹ năng: (1) Bảo vệ các thiết bị; (2) Bảo vệ dữ liệu cá nhân và tính riêng tư; (3) Bảo vệ sức khỏe; (4) Bảo vệ môi trường.

– Năng lực giải quyết vấn đề, gồm 4 kỹ năng: (1) Giải quyết các vấn đề kỹ thuật; (2) Xác định các nhu cầu, các câu trả lời về công nghệ; (3) Sử dụng sáng tạo các công nghệ; (4) Xác định các phân cách năng lực số.

Ở Việt Nam, bàn về CDS, ông Phan Phương Đạt (Giám đốc Funix-FPT) đưa ra 9 kỹ năng số cấu thành CDS, gồm:

(1) Truy cập số (Digital Access);

(2) Thương mại số (Digital commerce);

(3) Truyền thông số (Digital Communication);

(4) Kiến trúc số (Digital Literacy);

(5) Nghi thức số (Digital etiquette);

(6) Luật lệ số (Digital Law);

(7) Quyền và trách nhiệm số (Digital Rights & Responsibilities);

(8) Sức khỏe số (Digital Health & Wellness);

(9) An ninh số (Digital Security).

Đến nay, bộ tiêu chí đánh giá mô hình CDS vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, nói đến CDS, chúng ta đều hiểu rằng, sự phát triển của xã hội số và kinh tế số tùy thuộc vào chất lượng đào tạo CDS.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC