AI ở Việt Nam đã bắt đầu len lỏi khắp đời sống, giải quyết nhiều bài toán của xã hội...

AI ở Việt Nam đã bắt đầu len lỏi khắp đời sống, giải quyết nhiều bài toán của xã hội từ giáo dục, y tế đến thương mại điện tử, ngân hàng.

AI ở Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống người Việt. Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định AI là danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển từ năm 2014.

Trợ lý ảo tiếng Việt

Năm 2014, Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) được thành lập, dùng AI để giải quyết bà bài toán về xử lý tiếng nói gồm: Tổng hợp tiếng nói (Text to Speech); Nhận dạng tiếng nói (Speech to Text) và Voice wake-up. Sản phẩm có thể ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau như đọc báo tự động, ứng dụng trong sách nói, hoặc ứng dụng trong hệ thống chăm sóc khách hàng tự động. Một trong những ứng dụng đầu tiên áp dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của VTCC là Bot Platform - nền tảng tạo chatbot/trợ lý ảo.

Ba năm sau, FPT ra mắt nền tảng AI dành riêng cho các lập trình viên. FPT.AI dùng để tạo các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên, tích hợp vào các nền tảng hội thoại như Messenger hoặc các nền tảng do doanh nghiệp tự phát triển. Đây là một trong những công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp tự phát triển các thiết bị thông minh như robot, điện thoại di động, thiết bị điều khiển. Theo ông Bùi Đình Giáp, trong tương lai, xu hướng lập trình "low code", thậm chí "no code" sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn. Ngay cả những người không chuyên về kỹ thuật cũng có thể tự lập trình, vận hành một robot cơ bản.

Nền tảng xây dưng hội thoại FPT.AI cung cấp nhiều dịch vụ thông minh từ nhận diện gịọng nói đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên thông qua hội thoại hoặc văn bản.

Đến tháng 12/2018, Zalo ra mắt trợ lý ảo Kiki. Sau hai năm hoàn thiện, Kiki đã có thể sử dụng trên các thiết bị phần cứng như loa thông minh, xe ôtô và trên nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Theo anh Trần Mạnh Hiệp, admin diễn đàn Tinh Tế, điểm cộng của Kiki là "khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cảm giác gần gũi như nói chuyện với người thật, không hề cảm thấy xa lạ".

AI trong lĩnh vực y tế

Y tế là một trong những lĩnh vực sớm ứng dụng AI nhất ở Viêt Nam. Từ năm 2016, bệnh viện Phổi trung ương đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển AI để chủ động phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng. PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc bệnh viện Phổi trung ương nói: "Với AI, chúng tôi đã phát hiện được những bệnh lý bất thường, dù rất khó về đường thở, máu. Công nghệ 4.0 nếu phát triển đầy đủ có thể giúp Việt Nam tiến đến chấm dứt bệnh lao".

Ông Nhung lấy ví dụ về ứng dụng đọc phim bằng AI hay xe chụp X-quang di động giúp hình ảnh hoá những bất thường nhỏ nhất, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, từ đó ra quyết định có đưa bệnh nhân vào diện nguy cơ cao, cần khám kỹ hơn hay không. Những người phải điều trị trên 6 tháng cũng có thể tải về ứng dụng Dr. Minh giúp cả bệnh nhân và bác sĩ theo dõi lịch sử khám chữa bệnh thuận tiện hơn.

Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115 TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là 3 bệnh viện đầu tiên ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, cho phép mở cửa sổ điều trị từ 6 tiếng lên 24 tiếng, nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân. Ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi hình ảnh giúp tự động xác định, khoanh vùng và đánh giá mức độ tổn thương của hệ tiêu hoá cũng giúp việc chẩn đoán được thực hiện nhanh gấp 5 lần phương án truyền thống.

Phần mềm DrAid do Vingroup phát triển từ 2019 đã chẩn đoán được các bệnh về phổi, tim và xương bằng AI cũng được nâng cấp để đánh giá, tiên lượng Covi-19 bằng cách phát hiện nhanh các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng, kết hợp xét nghiệm PCR từ đó nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tình trạng âm tính giả.

Thành phố thông minh của người Việt

Báo cáo từ Hội nghị "Smart City Summit 2020" hồi tháng 11 cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất tham gia vào mạng lưới thành phố thông minh ASEAN với 3/26 thành phố. Các giải pháp AI được áp dụng khắp các lĩnh vực từ dịch vụ công đến hạ tầng số và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

BiTraffic là giải pháp quản lý giao thông thông minh do các kỹ sư Việt phát triển và làm chủ công nghệ. Nền tảng này giúp nhận diện biển số, đếm lưu lượng xe, cảnh báo tắc đường và phát hiện các hành vi vi phạm giao thông như lấn làn, vượt tốc độ, vượt đèn đỏ...

Trí tuệ nhân tạo còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như an ninh, nhận diện khuôn mặt, định danh khách hàng điện tử... Tháng 4/2019, Vinpearl trở thành một trong những hệ thống khách sạn đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp giảm thời gian chờ đợi thủ tục cho khách hàng và quá trình di chuyển giữa các khu vực nội bộ của khách sạn.

Tháng 11/2020, Bkav cũng xuất khẩu thành công lô camera ứng dụng AI đầu tiên sang Mỹ. Camera AI của Bkav có thể đảm nhiệm việc nhận diện khuôn mặt, đếm số người, xác định khoảng cách, phát hiện người có đeo khẩu trang hay không, phát hiện cháy, nhận diện biển số xe, tìm bãi đỗ trống. Đây là một trong những dự án quan trọng trong chiến lược triển khai thành phố thông minh của tập đoàn Qualcomm trên phạm vi toàn cầu.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng sớm dùng AI để tự động bóc tách dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử, giúp hạn chế tối đa hiện tượng sim rác và rút ngắn thời gian đăng ký thông tin thuê bao xuống tối đa 5 giây...

Tại Việt Nam, AI không phải khoa học viễn tưởng. Những ứng dụng, nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo do người Việt phát triển, làm chủ đã vươn ra thế giới, giải quyết những bài toán toàn cầu và được các tổ chức uy tín xếp hạng cao. Câu chuyện người Việt Nam đang làm chủ AI như thế nào sẽ được chia sẻ, phân tích nhiều hơn tại diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới".

Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards củaVnExpress.

Nguồn: https://vnexpress.net/ung-dung-ai-cua-nguoi-viet-4212869.html

Ý KIẾN BẠN ĐỌC