Apple và Google đang kéo hàng nghìn km cáp dưới đáy biển, trải dài giữa các lục địa để vận chuyển lượng lớn dữ liệu Internet toàn cầu.


Google đang đầu tư vào 19 dự án cáp biển trên khắp thế giới. Trong khi đó, Facebook đang vận hành hai tuyến cáp riêng và đang tham gia vào 5 dự án khác. Thông thường, hai công ty đầu tư vào các dự án cáp biển chung với một số tập đoàn hoặc công ty khác. Tuy nhiên, họ vẫn có những dự án riêng, do chính công ty vận hành. Ảnh: Google Cloud

Để bắt đầu dự án, các công ty phải lập kế hoạch về tuyến đường mà họ muốn kéo cáp qua. Jayne Stowell, nhà đàm phán chiến lược cho Cơ sở hạ tầng toàn cầu tại Google nói với Insider rằng việc lập kế hoạch lộ trình có thể mất một năm. Trong khi đó, phát ngôn viên của Facebook cho biết việc tiến hành một cuộc khảo sát địa vật lý và độ sâu dọc theo tuyến đường dự kiến cho phép họ lập kế hoạch chi tiết đến từng mét. Ảnh: Alcaltel networks


Mỗi sợi cáp Internet đều được bọc trong một vỏ đồng để dẫn điện. Stowell cho biết: “Một lớp vỏ bọc bằng nhựa và thép được thêm vào sau đó để chống thấm nước và giúp nó chịu được các điều kiện bất lợi trong đại dương, như biến động về dòng chảy, động đất hoặc sự tác động từ các tàu đánh cá". Ảnh: Alcaltel networks


Đối với cáp 2Africa, Facebook dùng lớp bọc bằng nhôm thay vì đồng. Công ty cho biết điều này giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất. Trong hình là một sợi cáp ngầm trước khi được bọc thêm lớp vỏ. Hiện tại, tàu ngầm Alcaltel neworks đang trong quá trình hoàn thành việc kéo cáp 2Africa quanh lục địa châu Phi. Độ dài đường cáp khoảng 37.000 km - ngắn hơn một chút so với chu vi của Trái đất. Ảnh: Alcaltel networks


Khi hoàn thành tuyến đường dự kiến và sản xuất xong cáp, chúng sẽ được đưa lên tàu lắp đặt chuyên dụng. Facebook cho biết mỗi tàu kéo cáp của họ cần 30-50 thuỷ thủ. Trong hình là con tàu đang rời cảng với cuộn dây cáp phía sau. Ảnh: Alcaltel networks


Khi di chuyển đến vùng nước sâu, một cỗ máy đào dưới nước sẽ được dùng để tạo thành rãnh dọc theo đáy biển. Dây cáp sau đó sẽ được chôn dưới rãnh này. Stowell nói: "Một chiếc máy cày trên biển trông không quá khác so với chiếc máy cày của người nông dân dùng trên cánh đồng, ngoại trừ nó lớn hơn nhiều, kích thước tương đương chiều cao một tòa nhà hai tầng". Mỗi máy cày chỉ được dùng ở độ sâu khoảng 1.000 - 1.500 mét. Khi con tàu rời đi, chuyển động tự nhiên của sóng sẽ giúp cát bao phủ lại sợi cáp. Ảnh: Alcaltel neworks


Ở vùng biển sâu, cáp sẽ được an toàn hơn so với khu vực nước cạn - nơi thuyền bè neo đậu hoặc thường xuyên diễn ra hoạt động khai thác thuỷ hải sản. Với những tuyến đường cáp dài, Google phải lắp đặt thêm một thiết bị gọi là bộ khuếch đại. Cứ 100 mét, có một bộ khuếch đại được thêm vào. “Mặc dù cáp quang được làm bằng thủy tinh tinh khiết nhất, trong khoảng cách xa, cường độ ánh sáng bắt đầu bị giảm. Bộ khuếch đại giúp tốc độ đường truyền được đảm bảo đúng tiêu chuẩn", phát ngôn viên của Google nói. Ảnh: Google Cloud


Khi đã đến gần đất liền, tàu kéo cáp cỡ lớn không thể cập bờ. Lúc này một dây phao được dùng để kéo cáp vào bờ theo định hướng của thợ lặn và sự hỗ trợ của thuyền nhỏ hơn. Cuối cùng, cáp được kéo lên bãi biển đến một rãnh làm sẵn. Tại đây nó sẽ được kết nối với cáp trên cạn. Ảnh: Alcaltel neworks


Một chiếc máy cẩu giúp hạ cáp Grace Hopper của Google trên bờ biển nước Anh. Đại diện Google cho biết khi đi vào hoạt động tại Anh vào đầu tuần tới, cáp Grace Hopper có thể thiết lập để truyền 340 terabyte dữ liệu mỗi giây. Tương đương 17,5 triệu người có thể phát trực tuyến 4K video cùng lúc. Ảnh: Google Cloud

Nguồn: https://vnexpress.net/cach-google-facebook-mang-internet-di-khap-the-gioi-4358784.html

Ý KIẾN BẠN ĐỌC