Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng trung bình...


Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Ảnh minh họa: ST

Tốc độ tăng trưởng mạnh

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển cách mạng 4.0, do đó Việt Nam cũng như các nước trên thế giới không thể đứng bên ngoài sự phát triển này.

Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Về tiến độ dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử: Tổng cục Hải quan sẽ lấy ý kiến về dự thảo của các cục hải quan tỉnh, thành phố để tổng hợp các ý kiến tham gia, hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định và hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định theo thời gian được giao.

Với tốc độ tăng trưởng cao như trên cần thiết phải có những biện pháp quản lý mới phù hợp với hoạt động giao dịch thương mại điện tử qua biên giới. Các biện pháp quản lý của nhà nước phải đảm bảo việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử qua biên giới.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, sự tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến việc thay đổi thói quen mua hàng hóa từ trực tiếp sang trực tuyến (mua hàng qua thương mại điện tử). Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, theo dõi trên toàn quốc đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong thời gian vừa qua có tốc độ tăng bất thường chủ yếu tập trung vào các lô hàng nhỏ, trị giá thấp.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đối với tờ khai nhập khẩu trị giá thấp trong quý 4/2020 đạt gần 16 triệu tờ khai, trong quý 1/2021 có trên 13,3 triệu tờ khai. Qua kiểm tra, nhận thấy các tờ khai trị nhập khẩu giá thấp hầu hết là hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử.

Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng Nghị định

a) Tạo hành lang pháp lý đầy đủ về chính sách thuế, chính sách mặt hàng, thủ tục hải quan đảm bảo việc triển khai công tác quản lý của cơ quan Hải quan hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

b) Quy định thủ tục hải quan đơn giản, điện tử hóa/số hóa hồ sơ hải quan phù hợp giao dịch thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, websites thương mại điện tử bán hàng nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn hiện tại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

c) Tăng cường việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử nhằm chống gian lận thương mại, buôn lậu.

d) Bảo đảm các nội dung quy định được rõ ràng, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử.

đ) Phù hợp với chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đảm bảo đúng định hướng phát triển kinh tế trong thời đại 4.0 của Đảng và Chính phủ.

Tháng 2/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 24/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan, trình Chính phủ trong quý 4/2021.

Quản lý từ khi phát sinh đơn hàng đến khi hoàn thành thủ tục XNK

Căn cứ vào xu hướng phát triển của hoạt động mua bán hàng hóa xuyên biên giới bằng phương thức giao dịch thương mại điện tử, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Qua đó, đáp ứng mục tiêu tạo hành lang pháp lý đầy đủ về chính sách thuế, chính sách mặt hàng, thủ tục hải quan đảm bảo việc triển khai công tác quản lý của cơ quan Hải quan hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Cụ thể, Nghị định sẽ quy định thủ tục hải quan đơn giản, điện tử hóa/số hóa hồ sơ hải quan phù hợp giao dịch thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn hiện tại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Đồng thời tăng cường việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử nhằm chống gian lận thương mại, buôn lậu; bảo đảm các nội dung quy định được rõ ràng, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử; phù hợp với chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, các quy định tại Nghị định nhằm bảo đảm việc quản lý hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử từ khi phát sinh đơn hàng đến khi hàng hóa hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó Nghị định được ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc của cá nhân khi thực hiện mua hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử (nâng định mức miễn thuế, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành); thủ tục hải quan được thực hiện đơn giản, nhanh chóng, cơ quan Hải quan đảm bảo việc kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Dự thảo nghị định tập trung quy định về Hệ thống phần mềm quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; về thông tin đơn hàng; về chính sách quản lý chuyên ngành, chính sách thuế; thủ tục hải quan và giám sát hàng hóa.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các nước; trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự kiến Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định như sàn giao dịch thương mại điện tử, doanh nghiệp logictics, doanh nghiệp chuyển phát nhanh...
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xay-dung-nghi-dinh-quan-ly-hang-hoa-xuat-nhap-khau-qua-thuong-mai-dien-tu-148027-148027.html

Ý KIẾN BẠN ĐỌC