- 07/08/2024
- 1038 lượt xem
- Kinh tế
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, việc Mỹ mới đây chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là kết quả đáng tiếc trước những nỗ lực to lớn của Việt Nam. Sau 2 năm kể từ thời điểm Hoa Kỳ công bố quyết định, Việt Nam có thể tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các lập luận để thuyết phục Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quyết định này.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tránh bị áp thuế chống bán phá giá mức cao khi Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Sẽ tiếp tục đề nghị
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận, Bộ Công Thương đã lập tức có thông cáo bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Theo Bộ Công Thương, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận.
Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận, gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong, theo một đại diện Bộ Công Thương, việc chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Là DN xuất khẩu tôm số 1 của Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (gọi tắt Minh Phú) từng xem Mỹ là thị trường lớn nhất của mình, và tập trung chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, đây cũng cũng là thị trường “sóng gió” nhất với DN khi liên tiếp xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế,…
Năm 2020, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thông báo áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với các lô hàng của Minh Phú xuất khẩu vào nước này. Nguyên nhân là DN bị cáo buộc sử dụng tôm nguyên liệu của Ấn Độ (vốn đang chịu thuế chống bán phá giá) vào Mỹ.
Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho biết, cáo buộc đã khiến Minh Phú hết sức chật vật. Để chứng minh trong sạch, DN phải thuê luật sư bên Mỹ với chi phí đắt đỏ và phải xử lý số lượng báo cáo khổng lồ mà lẽ ra mất 3 năm mới xong trong khi phía Mỹ chỉ cho 3 - 6 tháng. Điều này buộc DN phải tập trung tất cả lực lượng cán bộ có khi dừng sản xuất luôn để tập trung vào báo cáo, khiến kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020 không đạt kế hoạch.
Đến đầu năm 2021, DN được “minh oan” và mức thuế chống bán phá giá trở về 0%. Tuy nhiên, theo ông Quang, trong mấy năm trở lại đây, Minh Phú đã phải chuyển hướng thị trường và giảm mạnh thị phần ở Mỹ.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết cho biết, Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, từ trước đến nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, rủi ro lớn khi bị Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Theo ông Hoài, Mỹ đang điều tra sản phẩm gỗ dán làm từ gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này và đã có 37 DN Việt Nam nguy cơ bị áp thuế ở mức rất cao. Cùng đó, Mỹ khởi xướng điều tra sản phẩm tủ bếp, bàn trang điểm xuất khẩu từ nước ta. Điều này khiến các DN khó xuất khẩu vào Mỹ.
Costa Rica công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Ngày 5/8, được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica – ông Rodrigo Chaves, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trực tiếp thông báo và trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Như vậy, Costa Rica trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Chuẩn bị để vượt qua các rào cản
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp (DN) Việt sẽ giảm sức ép bị quy kết có trợ cấp, bán phá giá. Bà Lan nhìn nhận, lâu nay, DN chịu sức ép nặng nề từ biện pháp phi thuế, vì lợi ích cạnh tranh nên đôi khi Mỹ áp dụng biện pháp mạnh với DN Việt. “Việt Nam đã chuyển sang kinh tế thị trường nhiều năm nay nhưng Mỹ, Liên minh Châu Âu chưa công nhận cũng là rào cản lớn. Khi Mỹ công nhận, việc công nhận của Liên minh châu Âu sẽ thuận lợi hơn”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, “cú hích này” sẽ giúp thúc đẩy từ thị trường bên ngoài. Trong nước, cơ quan chức năng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn theo thể chế thị trường để việc công nhận được vững chắc. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, DN Việt cần tự mình thay đổi, đáp ứng các tiêu chí như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đáp ứng xu thế của thế giới.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cơ hội đi liền với thách thức. DN Việt phải tôn trọng cam kết để thực hiện kinh tế thị trường và bước tiến mạnh mẽ trong công khai minh bạch. Để làm được điều này, DN cần chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế số, đổi mới trong giao thương với đối tác Mỹ.
Ông Doanh cũng khuyến nghị, cơ quan chức năng Việt Nam cần nghiêm túc, hướng dẫn, giúp đỡ DN, xử lý nghiêm sai phạm trong xuất xứ hàng hóa, tránh con sâu làm rầu nồi canh. Các hiệp hội, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm DN có dấu hiệu gian lận.
(Còn nữa)Nguồn: Tiền Phong, tác giả Dương Hưng - Quỳnh Nga - Phạm Tuyên
Ý KIẾN BẠN ĐỌC