- 01/02/2023
- 2367 lượt xem
- PAPI
1. Chỉ số PAPI là gì ?
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (là công trình hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật VN và Chương trình phát triển LHQ) từ năm 2009 để theo dõi việc thực thi chính sách phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành QLNN và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
PAPI là nhiệt kế chẩn đoán mức độ hiệu quả và năng lực điều hành của chính quyền địa phương
Từ năm 2011 các địa phương sử dụng bộ tiêu chí PAPI để đo lường quá trình cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân
2. Tổng quan:
Năm 2010, Việt Nam chính thức chuyển đổi trở thành quốc gia có mức thu nhập bậc trung thấp trên thế giới, đồng thời khẳng định con đường hướng tới một nền quản trị tốt hơn, nền hành chính vững mạnh hơn và dịch vụ công có chất lượng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công dân. Đến nay, Việt Nam đã đạt mức thu nhập bậc trung, với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng và nhiều cơ hội lớn mở ra cho những thế hệ công dân mới. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng lên mức bậc trung bình của thế giới, đạt 0,623 điểm năm 2013, cao hơn so với 0,476 điểm của năm 19901. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 285USD vào năm 1985 lên 1.910USD năm 20132. Bước chuyển dịch qua các giai đoạn phát triển đó cũng đồng nghĩa với nhu cầu của công dân đối với hiệu quả quản trị nói chung và đối với nền hành chính và dịch vụ công nói riêng đang có nhiều biến đổi. Với trình độ dân trí cao hơn, điều kiện an sinh tốt hơn, người dân ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với dịch vụ của chính quyền.
Cùng với bước chuyển dịch đó, việc hoạch định chính sách cũng từng bước chuyển theo hướng sử dụng thay vì xem nhẹ các dẫn chứng thực tiễn, đồng thời coi trọng hơn những công cụ đánh giá chính sách từ bên ngoài hệ thống nhà nước. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là một trong những nguồn dữ liệu độc lập thể hiện đánh giá của người dân về năng lực quản trị và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó còn có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đo lường hiệu quả điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh/ thành phố từ giác độ doanh nghiệp. Những công cụ này bổ sung cho các đánh giá từ bên trong hệ thống nhà nước như Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-Index) do Bộ Nội vụ xây dựng. Những bộ chỉ số này là mỏ vàng dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu chính sách khai thác nhằm tìm ra mối tương quan trong đánh giá về hiệu quả thực thi chính sách từ giác độ ba thành tố chính gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân, từ đó rút ra những dữ kiện quan trọng phục vụ quá trình tiếp nối của đổi mới chính sách.
Mặc dù vậy, nền quản trị và bộ máy hành chính công vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi Việt Nam muốn tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Một trong những thách thức đó là nâng cao chất lượng quản trị và dịch vụ công sau khi củng cố độ sẵn có của dịch vụ công căn bản để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Những thách thức này có thể được giải quyết khi những đổi mới chính sách gần đây và trong thời gian sắp tới được theo dõi thường xuyên, đồng thời những đánh giá đó được chính quyền từ trung ương đến địa phương xem xét thấu đáo.
Chỉ số PAPI cũng được xây dựng với mục đích tạo ra nguồn dữ liệu phong phú, giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiệu quả trong quản trị và hành chính công trên thực tế. Từ năm 2011 đến nay, Chỉ số PAPI được thực hiện thường niên và trở thành công cụ kiểm toán xã hội lớn nhất ở Việt Nam (xem Hộp 1). Đánh giá giữa kỳ PAPI cũng nhận định “Chỉ số PAPI đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về quản trị tốt và cải cách hành chính ở Việt Nam. Với cách tiếp cận lấy người dân là trung tâm, Chỉ số PAPI tạo điều kiện để người dân phản ánh với chính quyền và các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Đây là bước đột phá ở Việt Nam”.
Thời gian qua, Chỉ số PAPI ngày càng được nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức trong và ngoài nước sử dụng4. Phụ lục B liệt kê một số ví dụ về cách thức chính quyền các tỉnh/thành phố (như Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân tỉnh/thành phố) ‘phúc đáp’ những phát hiện nghiên cứu PAPI. Số tỉnh/thành phố chính thức ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công gia tăng theo thời gian. Ngoài ra, ngày càng nhiều cơ quan nghiên cứu, đối tác phát triển và trường đại trong nước và quốc tế sử dụng dữ liệu PAPI trong nhiều nghiên cứu chính sách và học thuật.
3. Cách tính chỉ số PAPI:
Điểm tối đa của Chỉ số PAPI là 80 điểm trên 08 chỉ số nội dung ( Mỗi chỉ số nội dung có điểm tối đa là 10 điểm ).
Phân loại Chỉ số PAPI theo 04 nhóm gồm :
- Đạt điểm cao nhất ;
- Đạt điểm trung bình cao
- Đạt điểm trung bình thấp
- Nhóm đạt điểm thấp nhất
Tải báo cáo chỉ số PAPI 2014 - Tại đây
Tải slide Cách tính chỉ số PAPI, GPS TS. Hà Thị Ngọc Oanh - Tại đây
Tải mẫu phiếu khảo sát Dành cho người dân - Tại đây
Tải mẫu phiếu khảo sát Dành cho doanh nghiệp - Tại đây
Tải mẫu phiếu khảo sát Dành cho công chức - Tại đây