Thách thức hay cơ hội cho DN logistics hậu đại dịch COVID-19

Tại tọa đàm "Phát triển bền vững chuỗi cung ứng cho TMĐT Việt Nam sau đại dịch COVID-19: Cơ hội và thách thức" trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện Valoma Confest 2021, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam tổ chức ngày 9/11, ông Mitch Bittermann, Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách TMĐT khu vực châu Á của TMX chỉ rõ Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan về TMĐT. Đến năm 2025, dự kiến quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể lên tới 29 tỷ USD so với 7 tỷ USD như hiện tại.


Theo các chuyên gia, TMĐT chỉ là kênh đặt hàng còn dòng dịch chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất và cung ứng đến người tiêu dùng mới là yếu tố góp phần vào thành công cho TMĐT.

 

Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Lazada logistics Việt Nam chia sẻ thực tế về sự đóng góp của TMĐT và logistics trong thời gian vừa qua. Ông Thịnh cho biết: "Ngay khi dịch bệnh xảy ra tại các tỉnh thành phía Nam, Lazada phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh để cung cấp thực phẩm cho người dân trong các khu vực bị phong toả. Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ khác xây dựng kênh bán hàng bình ổn giá. Sau khi có nguồn cung ổn định, Lazada nhanh chóng điều chỉnh hoạt động logistics để bảo đảm chất lượng vận chuyển hàng hóa tươi sống".

Nhìn lại quá trình cung ứng hàng hóa cho người dân, ông Thịnh nhận định, giai đoạn phong tỏa gây ra những khó khăn chưa từng có nhưng cũng mở ra cơ hội mới với TMĐT nói chung và Lazada nói riêng, ngành logistics cũng tương tự như vậy.

Là một đơn vị sản xuất đa ngành nghề, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Tiến Đạt không đứng ngoài vòng xoáy khó khăn khi chuỗi cung ứng và hoạt động logistics bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc công ty cho biết DN này phải chịu phí cước vận chuyển rất cao đối với cả thị trường trong nước và quốc tế.

Để cùng các đối tác vượt qua khó khăn, ông Tuyên gợi ý các đối tác mở thêm kênh tiêu thụ trên sàn TMĐT, đồng thời thuyết phục những DN logistics đưa ra mức giá ưu đãi nhất.

Đánh giá về vai trò của TMĐT trong thời gian qua, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương nêu rõ: "Xét về tổng thể, TMĐT trở thành một thói quen khá tích cực với người dùng. Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, nhiều người dân ở thành phố lớn di chuyển về nông thôn và mang theo thói quen này. Điều đó một mặt thúc đẩy phát triển TMĐT ở các địa phương, mặt khác cũng giúp DN logistics từng bước mở rộng kho hàng ở những tỉnh thành xa hơn".

Mặc dù vậy, ông Bùi Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, giãn cách xã hội cũng tác động tiêu cực đến một dịch vụ quan trọng đối với TMĐT là logistics. Việc áp dụng giãn cách xã hội chặt chẽ khiến hoạt động logistics khó khăn đã gây nên tình trạng ùn tắc đơn hàng, kéo theo hiệu ứng domino giữa các tỉnh, thành.

Nêu ra những thách thức đối với logistics, ThS. Võ Phương Lan, Trưởng ban Vận tải, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Tổng Giám đốc Công ty ASL cho hay: "Chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối năm song vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không toàn cầu vẫn còn căng thẳng. Tình hình tắc nghẽn cảng biển ở châu Mỹ, đặc biệt là bờ Đông và bờ Tây rất phức tạp. Trong khi đó, nhu cầu xuất nhập khẩu đều tăng mạnh ở các tuyến. Cước vận chuyển tăng, thời gian giao hàng chậm làm giảm lợi thế cạnh tranh đối với DN xuất nhập khẩu Việt Nam".

Giải pháp phát triển chuỗi cung ứng cho TMĐT

Trước thực trạng trên, bà Võ Phương Lan cho biết "Thông điệp của VLA nhiệm kỳ 2021-2023 là chuyển đổi (CĐS) số sáng tạo và đổi mới. Thông điệp này là kim chỉ nam cho DN logistics. Các DN logistics muốn tận dụng và vượt qua thách thức cần phải thay đổi cách làm và triển khai tự động hoá. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong mọi khâu vận hành, nhằm hạn chế tiếp xúc vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp".

Ảnh minh hoạ

Bà Võ Phương Lan chia sẻ thêm một số đề xuất của VLA để DN logistics phát triển bền vững trong bối cảnh hậu đại dịch. Cụ thể như, địa phương cần thống nhất quy trình phòng chống dịch trong khâu vận chuyển và lưu thông hàng hoá, trong kiểm soát xe và tài xế, thống nhất từ trung ương đến địa phương để DN hiểu rõ và làm đúng; không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung cũng như tăng chi phí vận tải cầu đường, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển.

Thêm vào đó, bà Lan cũng nêu một số đề xuất khác như: Cần giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN logistics. Đồng thời, cần có những quyết sách nhằm phát triển vận tải biển, đặc biệt là đội tàu container mang thương hiệu Việt Nam để có thể chủ động trước những "cơn bão" về giá cước vận tải biển hiện nay cũng như cạnh tranh với sự thống trị của các hãng tàu nước ngoài. Cuối cùng, các bộ ngành liên quan cần có những hỗ trợ để DN logistics tiến hành CĐS phục sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, bà Lan nhấn mạnh đến yếu tố nhân lực logistics bởi để vận hành được hạ tầng công nghệ 4.0 cũng như hợp tác bền vững các đối tác nước ngoài đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng về ngoại ngữ và CĐS.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Thịnh cũng nêu thêm rằng logistics đặc biệt là e-logistics luôn phải cân bằng 3 yếu tố là nhanh, rẻ và dịch vụ chất lượng. Các DN thông thường chỉ đáp ứng được 2 yếu tố nhưng để đáp ứng được 3 yếu tố là bài toán cực kỳ khó và phải đi tìm lời giải nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh./.
Nguồn: https://ictvietnam.vn/loi-giai-nao-cho-dn-logistics-nhanh-re-va-chat-luong-20211110104615929.htm